Phân biệt 15 loại rau thơm phổ biến ở Việt Nam
Nếu nước sốt làm nên nét đặc trưng của ẩm thực châu Âu thì gia vị được coi là “linh hồn” tạo nên nét riêng của ẩm thực châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Trong các món ăn ở nước ta không thể thiếu rau thơm, làm món ăn đậm đà thêm vị và trang trí thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, mỗi loại rau thơm sẽ được dùng trong từng món ăn khác nhau, 15 cách phân biệt các loại rau thơm phổ biến ở Việt Nam sẽ giúp bạn tạo nên các món ăn đúng vị hơn bao giờ hết.
Rau thơm là gì?
Rau thơm là rau gia vị dùng để chỉ các loại rau có mùi thơm đặc trưng do các tinh dầu tạo thành như rau húng, bạc hà, thì là, tía tô,….
Rau thơm thường dùng để ăn sống kèm một số loại thịt, cá đã được chế biến sẵn hoặc làm gia vị cho các món ăn như nộm, phở, bún…
15 loại rau thơm phổ biến và tác dụng chữa bệnh bạn chưa biết?
Hầu hết các loại rau thơm đều chứa tinh dầu và không chỉ được dùng phổ biến trong ẩm thực, nó còn được biết đến trong các bài thuốc chữa bệnh theo đông y. Các loại rau thơm nhà trồng hay mọc dại rất đa dạng, không thể kể hết, nhưng có 15 loại rau thơm phổ biến và tác dụng thần kỳ bạn nên biết:
Rau bạc hà
Bạc hà có vị the mát, từ mùi hương đến vị đều mang đến cho vị giác người ăn sự dịu mát ngay đầu lưỡi và được sử dụng phổ biến để trang trí bánh, đồ uống, rau ăn sống. Hiện nay bạc hà còn được điều chế làm tinh dầu.
Rau bạc hà còn là bài thuốc quý trong việc chữa trị cảm cúm, chữa chứng bụng đầy hơi, nấc cục, lợi cho đường tiêu hóa. Tinh dầu bạc hà rất hữu hiệu để bôi lên vết cắn côn trùng, làm dịu cơn hen suyễn…
Rau húng quế
Húng quế thường được dùng làm gia vị cho các món bún, mì tôm, phở, tiết canh, lòng và đặc biệt không thể thiếu khi ăn thịt chó. Mặt khác, hạt húng quế chính là hạt é nổi tiếng trong các loại đồ uống giải khát, chè…
Rau húng quế có tính nóng, vị cay nên theo đông y có công dụng tốt để chữa cảm cúm, nghẹt mũi, sốt hoặc nhức đầu. Những ngày thời tiết giao mùa, cơ thể chúng ta dễ bị cúm, sốt chỉ cần nấu bát cháo húng quế cơ thể sẽ nhanh chóng khỏe mạnh.
Rau răm
Cách dùng phổ biến nhất của rau răm chính là khử mùi tanh trong các món ăn được chế biến từ hải sản và cũng vô cùng nổi tiếng để ăn kèm cháo sườn hoặc trứng vịt lộn.
Rau răm có vị cay, tính ấm, nếu dùng để làm thuốc chữa bệnh thường hái tươi tại vườn hoặc mua ở những phiên chợ sớm không qua chế biến. Đau bụng lạnh, mụn trĩ, tiêu hóa kém, bị rắn cắn,… có thể dùng rau răm làm thuốc chữa khá hiệu quả.
Rau thì là
Thì là không thể thiếu khi nấu các món ăn chế biến từ cá, đặc biệt nếu chả cá mà thiếu thì là chắc chắn không thể là món ăn ngon.
Rau thì là cũng là thần dược bổ thận, chữa trị đau bụng hoặc đau răng.
Rau ngổ
Một trong những loại rau thơm phổ biến khác chính là rau ngổ, cực kỳ tốt cho hệ tiêu hóa, có tính mát nên các món canh chua không thể thiếu rau ngổ. Ngoài ra, nó cũng được ăn kèm với các món lòng, kho cá…
Rau mùi tàu – ngò gai
Miền bắc gọi là rau mùi tàu còn trong nam tên gọi chính là ngò gai, với đặc điểm nhận dạng bởi các viền răng cưa ở rìa lá.
Rau mùi tàu dù là ăn sống hay nấu canh đều có công dụng chữa bệnh, kích thích hệ tiêu hóa, khử thấp nhiệt…
Rau mùi tây
Theo dân gian, vào dịp tết rau mùi được nhà nhà dùng để tắm hoặc gội với mong muốn thanh sạch cơ thể để đón nhận những điều tốt lành trong một năm mới sắp đến.
Trong các loại rau thơm, rau mùi gần như được sử dụng rộng rãi hơn cả, có thể làm nước chấm, ăn sống, cắt nhỏ để làm các món xào hay để dài cả cuống ăn sống…
Hành lá
Hành lá được dùng trong hầu hết mọi món ăn ở mỗi gia đình việt, nên hầu như chúng ta đã quên gọi nó là một loại rau thơm.
Hành lá vừa để trang trí vừa để tăng vị cho các món ăn như bún, phở, các món xào, món kho,… tuy nhiên không phải ai cũng ăn được hành lá bởi mùi hơi hăng và cay nhẹ.
Công dụng chữa bệnh phổ biến nhất của hành lá chính là giải cảm, thế nên mỗi khi bị cảm chỉ cần nấu bát cháo hành giúp cơ thể thải khí độc, lưu thông mạch máu nhanh chóng.
Rau tía tô
Nhắc đến các loại rau thơm được dân gian lưu truyền rộng rãi bởi những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả, đơn giản dễ áp dụng không thể quên rau tía tô. Với mùi thơm đặc trưng, lá có màu tím, đông y xếp tía tô vào nhóm thuốc phát tán phong hàn, khỏi sốt, làm cho ra mồ hôi.
Lá lốt
Trong ẩm thực, lá lốt được dùng để om ốc, chuối đậu, om ếch,… nhưng trong đông y, loại rau thơm này được biết đến để chữa bách bệnh.
Các bệnh về phụ khoa như viêm nhiễm, ra khí hư, bệnh về xương khớp,… đều có thể chữa dứt điểm bằng các bài thuốc dân gian từ lá lốt. Ngoài ra, say nắng, đau đầu, đau răng, đau bụng lạnh,… chỉ cần nấu lá lốt ăn cơ thể nhanh chóng được cân bằng, giải bệnh.
Rau húng lủi
Rất nhiều người không thể phân biệt rau húng lủi và rau bạc hà vì từ thân tới lá đều rất giống nhau. Để nhận biết, hãy nhìn vào lá của chúng, rau bạc hà lá có một lớp lông mịn và có răng cưa còn húng lủi lá trơn láng, ít nhăn.
Cũng như nhiều loại rau thơm khác, húng lủi có công dụng kích thích hệ tiêu hóa tốt, vì vậy trong một tuần chúng ta nên bổ sung rau húng lủi vào thực đơn rau ăn sống 1 lần.
Rau kinh giới
Món ăn không thể thiếu loại rau thơm này chính là bún đậu, ở tất cả các quán bún đậu rau kinh giới luôn là gia vị, rau sống ăn kèm chủ chốt.
Rau diếp cá
Mùi tanh là đặc điểm nhận biết dễ thấy của rau diếp cá, chúng thường dùng để ăn kèm bánh xèo, các món gỏi hoặc dùng làm sinh tố đẹp da.
Thế nhưng rau diếp cá lại có công dụng chữa bệnh tuyệt vời như các bệnh về phát ban, tiêu hóa, kháng khuẩn hoặc tiêu diệt ký sinh trùng,… đã được nền y học hiện đại công nhận.
Sả
Cây sả cũng là một loại rau thơm vừa làm gia vị món ăn vừa có công dụng chữa bệnh cực kỳ tốt. Một số bệnh có thể chữa trị bằng cây sả như người bị cảm, đau đầu, thấp khớp, gặp vấn đề về hệ bài tiết, giúp lợi tiểu…
Rau đinh lăng
Các món ăn có thể dùng kèm đinh lăng như nem tai, nem chua,… đinh lăng ít được dùng xào nấu mà chủ yếu để ăn sống, ăn kèm.
Thế nhưng rau đinh lăng lại cực kỳ tốt cho bộ não, hệ thần kinh của con người. Ăn rau đinh lăng kích thích vỏ não hoạt hóa mạnh hơn, các tế bào thần kinh phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngoài các loại rau thơm phổ biến trên bạn có thể xem chi tiết tên từng loại rau thơm sau đây.
0 nhận xét